Trước khi Ronnie O’Sullivan xuất hiện và trở thành cơ thủ snooker hay nhất mọi thời đại, thì Steve Davis mới là người có công lớn trong việc quảng bá môn thể thao quý tộc này ra toàn thế giới. Đồng thời Davis cũng là một trong những cơ thủ tiên phong trình diễn khi snooker mới phát trên sóng truyền hình; cho đến ngày nay cơ thủ này vẫn đang là hình mẫu để nhiều đàn em trong giới noi theo.
Tài năng xuất chúng
Trong 40 năm sự nghiệp thi đấu snooker chuyên nghiệp, Davis nhận về cả tá danh hiệu khác nhau như: Vàng thỏi, Phù thủy tóc vàng, Bậc thầy đánh bóng, Quý ông robot,… Chừng đó đã phần nào cho thấy sự xuất sắc của cơ thủ này. Đặc biệt, ông chỉ mất 3 năm thi đấu chuyên nghiệp để giành chức vô địch thế giới lần đầu tiên năm 1981; sau đó tiếp tục đứng lên bục cao nhất của bộ môn thể thao này thêm 5 lần ở thập niên 80. Đó cũng là giai đoạn mà snooker mới bắt đầu xuất hiện trên sóng truyền hình; và phủ sóng đến công chúng toàn thế giới.
“Quý ông robot” thể hiện một tài năng xuất sắc trong thi đấu. Với 6 chức vô địch thế giới Davis giành được đến từ 8 lần lọt vào trận chung kết trong vòng 9 năm, một thành tích vô tiền khoáng hậu! Ngay cả Ronnie O’Sullivan ở thời kỳ đỉnh cao cũng khó có thể chơi ổn định đến thế. Steve Davis được ví như một cỗ máy được lập trình để đánh snooker. Hiếm khi nào người ta thấy ông mắc lỗi trong một trận đấu chính thức.
“Ông ấy là một tượng đài bất diệt. Tôi ngưỡng mộ ông như một người đàn anh, một người đi trước cho thấy đẳng cấp của một cơ thủ snooker hàng đầu”, O’Sullivan nhận xét. Anh và Davis có một điểm chung: Luôn nhắm đến những trận đấu “dọn bàn” giành 147 điểm tuyệt đối mỗi khi có thể. Giữa những người chuyên đánh phòng thủ và thích “chạy đạn” trong giới snooker; Davis như một đóa hoa nở trong miền đất lạ.
Truyền thông ngó lơ
Nước trong thì không có cá, người tốt quá không có ai chơi. Câu nói này vận đúng vào cuộc đời của Steve Davis. Tên tuổi ông có thể sánh ngang Michael Jordan, Pete Sampras nhưng lại không nổi danh như họ. Khoảng thời gian Davis thống trị tuyệt đối giới snooker ở thập niên 80 là chuỗi ngày vinh quang với đầy những giai thoại; nhưng lại không được truyền thông nhắc đến nhiều như bây giờ. Lý do bởi Davis sống quá hiền lành; quá gương mẫu đúng như biệt danh “quý ông” gắn liền với bản thân.
Davis không bao giờ để bản thân sa đà vào nghiện ngập như O’Sullivan; càng không có đời tư phức tạp giống người đàn em đồng hương. Khuôn mặt khắc khổ, đăm chiêu và đầy lịch sự gắn liền với ông trong cả sự nghiệp; nhưng cũng vì thế mà biến ông bị gắn mác nhàm chán với công chúng xem truyền hình. Họ không thích những con người hoàn hảo như vậy. Thay vào đó, một nhân vật đầy những mảng tối như O’Sullivan rõ ràng thu hút sự chú ý của truyền thông lớn hơn nhiều.
Ở những môn thể thao đối kháng cá nhân như snooker, tennis hay golf; người xem không chỉ thích chứng kiến một VĐV ăn mừng chiến thắng. Họ còn yêu người đó bởi vẻ tiếc nuối mỗi khi thất bại; yêu gương mặt buồn lộ rõ trên mặt dù cố gắng tiết chế cảm xúc hết mức có thể. Nhưng điều ấy gần như không được thể hiện ở Davis, bởi ông thắng nhiều quá; và thắng với cách biệt gần như tuyệt đối. Khi Davis vào trận với trạng thái sung sức ở thập niên 80; ông luôn dễ dàng giành ngôi vô địch ở mọi giải đấu lớn.
Có thể tìm hiểu thêm: Điểm danh những gương mặt tuổi Sửu nổi bật của bóng đá Việt Nam.
Nguồn: Bongdaplus.vn