Đua máy bay không người lái (drone) là 1 môn thể thao nhanh, điên rồ và khốc liệt nhất mà bạn nghe đến. Những chiếc drone bay với tốc độ 150km/h. Chúng phát đi góc nhìn được truyền đến người điều khiển. Giúp tạo cảm giác như bạn đang được đua xe trong phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Thể thức đua máy bay không người lái
Drone Racing League (DRL) giải đấu hàng đầu của môn thể thao tốc độ này. Với 50 triệu lượt người xem trên toàn cầu. Tổng giải thưởng cho nhà vô địch lên đến 100.000 bảng. DRL chính là nơi tụ hội các “phi công” xuất sắc nhất thế giới hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ. Năm 2018, cậu bé 15 tuổi Rudi Browning ở Úc đã trở thành nhà vô địch thế giới tại giải DRL.
Tại DRL, mỗi phi công đeo một chiếc kính như một màn hình chiếu lại góc nhìn từ tín hiệu được thu từ camera gắn trên drone. Họ có nhiệm vụ lái drone hoàn thành đường đua trong thời gian nhanh nhất có thể. Phải vượt qua các chướng ngại vật và đánh bại các đối thủ. Thông thường, DRL sẽ diễn ra tại các sân vận động hoặc các địa điểm mang tính biểu tượng trên toàn thế giới.
Mỗi phi công sẽ cầm một bộ điều khiển từ xa để lái máy bay. Nhưng phía sau họ là cả một êkip hỗ trợ để nhằm đảm bảo đường bay an toàn nhất. Tránh tối đa những vụ va chạm có thể xảy ra trên không. Bởi vì ở tốc độ lên đến 150km/h. Chỉ một va chạm nhỏ có thể khiến drone vỡ nát thành từng mảnh. Thông thường mỗi cuộc đua tại DRL có 12 phi công điều khiển 12 drone.
Drone, cỗ máy tối tân
Những chiếc drone sử dụng tại DRL khác hoàn toàn loại drone thông thường dùng để quay video. Giải DRL có tuổi đời tuy mới 5 năm nhưng công nghệ chế tạo drone đã phát triển vượt bậc.
Điển hình như chiếc drone tối tân Racer X đã xác lập kỷ lục thế giới khi có tốc độ lên tới 265km/h. Nó nhanh hơn cả tốc độ của chiếc ô tô điện đời mới Tesla Model 3. Tốc độ trung bình của các drone tại giải DRL là ở mức 144km/h. Chính vì thế những chiếc drone tại DRL bị xem là vật thể bay không an toàn. Chúng hầu hết không được bán ra thị trường.
Ngoài tốc độ bay của drone, các phi công còn rất lưu tâm tới tốc độ truyền dẫn tín hiệu từ camera (gắn trên drone) tới kính màn hình đeo. Tốc độ truyền dẫn càng cao, tín hiệu thu về càng tốt và tránh khỏi tình trạng giật, lag. Từ đó giúp phi công dễ dàng quan sát và điều khiển. Thông thường, kính màn hình tại giải DRL có độ trễ 50ms (mili giây) so với đời thực.
Mới đây, DJI là công ty chuyên cung cấp drone đã ra mắt bộ điều khiển có độ trễ chỉ còn 28ms, một bước tiến nhảy vọt trong công nghệ chế tạo máy bay không người lái.
Môn thể thao với sức hút toàn cầu
Drone Racing League hiện được chiếu trên kênh Sky Sports (Anh), NBC, NBCSN. Đồng thời cũng được phát trên Twitter và Facebook của khu vực Bắc và Nam Mỹ. Đã có hơn 50 quốc gia mua bản quyền phát sóng giải đua drone lớn nhất thế giới này. Mùa giải đầu tiên 2016 đã thu hút được 28,2 triệu lượt xem trên kênh ESPN. Con số này tiếp tục tăng lên 50 triệu trong năm tiếp theo sau đó.
Đua drone trở thành một trong những môn thể thao có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Vì sức hấp dẫn khó cưỡng lại khi khán giả truyền hình được trực tiếp trải nghiệm góc nhìn từ những chiếc drone lao vun vút trong không trung. Nó mang lại cảm giác tương tự như bạn đang điều khiển máy bay trong game GTA. Còn nếu ngồi xem ở sân vận động đây sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác nhưng cũng hấp dẫn không kém.
Đua Drone càng ngày càng phổ biến
Giải DRL thường đón 4.000 tới 5.000 khán giả tới sân theo dõi những chiếc drone trên bầu trời. Một điểm hấp dẫn khác của DRL là giải đấu được tổ chức tại khắp nơi trên thế giới. Từ cung điện Alexandra tại London cho đến trung tâm triển lãm BMW Welt ở Đức. Sân vận động Hard Rock (Miami, Mỹ) cũng từng đón hơn 60.000 lượt khán giả tới xem DRL. Các nhà tổ chức thường chọn những địa điểm nổi tiếng trên thế giới nhằm tạo sức hút toàn cầu cho môn thể thao đặc biệt này.
Đua drone ngày càng trở thành một môn thể thao phổ biến. Đặc biệt thu hút giới trẻ đam mê tốc độ và đua máy bay không người lái. Tại World Games 2022 (Thế vận hội dành cho các môn thể thao không được thi đấu tại Olympic), giải đua drone lần đầu tiên đã được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức.
Xem thêm các bài viết khác tại Nad.com.vn
Nguồn: bongdaplus